Chỉ số huyết áp là một yếu tố phản ánh trực tiếp sức khỏe. Thường xuyên kiểm tra huyết áp sẽ giúp bạn theo dõi được sức khỏe bản thân, sớm phát hiện các bệnh và điều trị kịp thời, nhất là bệnh tim mạch.
Chỉ số huyết áp được xác định với mức huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Vậy mức huyết áp bình thường là bao nhiêu? Điều gì ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp? Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết nhé.
Huyết áp là gì?
Huyết áp được hiểu là áp lực đẩy do sự tuần hoàn của máu trong mạch máu. Huyết áp là một trong những dấu chính cho biết cơ thể còn sự sống.
Đơn vị đo huyết áp là mmHg (milimet thủy ngân).
Huyết áp được tạo ra do sức bơm của tim và sức cản trong mạch máu. Khi tim đập, huyết áp thay đổi từ cực đại đến cực tiểu, lần lượt gọi là áp lực tâm thu và áp lực tâm trương. Huyết áp sẽ giảm dần khi máu theo động mạch đi xa khỏi tim. Huyết áp giảm nhanh nhất khi máu chạy trong các động mạch nhỏ và các tiểu động mạch và tiếp tục giảm khi máu đi qua các mao mạch và huyết áp đạt mức nhỏ nhất trong tĩnh mạch quay trở lại tim.
➤ Đánh Giá: Máy Đo Huyết Áp Loại Nào Tốt Nhất?
Phân biệt huyết áp với nhịp tim.
Huyết áp và nhịp tim đều liên quan mật thiết với tim mạch. Bởi vậy có nhiều người vẫn lầm tưởng 2 chỉ số này là một. Nhưng thực chất, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Huyết áp là áp lực được tạo ra trên thành mạch máu khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Còn nhịp tim là số lần tim co bóp trong vòng 1 phút.
Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số huyết áp được xác định bằng hai trị số là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương). Huyết áp tối đa đạt được khi tim co nên còn được gọi là huyết áp tâm thu. Huyết áp tối thiểu đạt được khi tim giãn, còn gọi là huyết áp tâm trương. Căn cứ vào hai chỉ số này, người ta có thể chẩn đoán huyết áp của bạn.
- Huyết áp tâm thu là gì? – là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp
- Huyết áp tâm trương là gì? – là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.
Khi đo huyết áp, huyết áp bình thường của người lớn là khi huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.
Nếu huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90mmHg thì bạn đang bị huyết áp cao. Ngược lại, nếu huyết áp tâm thu dưới 100 mmHg thì bạn mắc huyết áp thấp.
Tuy nhiên, chỉ số này cùng phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Với từng độ tuổi khác nhau, chỉ số huyết áp bình thường có thể thay đổi.
Các bạn có thể theo dõi bảng sau đây để biết chỉ số huyết áp của người bình thường tương ứng với độ tuổi của mình.
Những lưu ý khi đo huyết áp
Trước khi đo huyết áp
Trước khi đo huyết áp, bạn cần thư giãn khoảng 10 phút trước khi đo để tránh tình trạng căng thẳng có thể khiến huyết áp cao hơn. Bạn cũng không nên ăn quá no, tuyệt đối không hút thuốc và uống rượu bia trước khi đo. Không nên mặc áo bó quá chặt bắp tay, máu sẽ khó lưu thông, ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp.
Khi đo huyết áp
Để đo được kết quả chính xác nhất, bạn nên tiến hành đo hai lần. Hai lần đo nên cách nhau từ khoảng 2 đến 3 phút. Chú ý nên đo ở cùng một cánh tay. Thông thường người ta hay đo huyết áp bằng tay trái.
Khi đo, bạn cũng cần giữ vị trí động mạch cánh tay luôn ngang bằng với tim.
Về vị trí đo huyết áp, với máy đo điện tử, có thể đo huyết áp ở bắp tay hay cổ tay miễn là điểm cảm ứng trong băng quấn tay luôn ngang bằng với tim. Nếu đo ở bắp tay có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay khoảng 2cm. Nếu đo ở cổ tay thường phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với trái tim. Thực tế, huyết áp đo cổ tay dễ sai lệch hơn đo ở bắp tay vì người đo khó giữ cánh tay cho yên. Bởi vậy tốt nhất bạn nên đo ở bắp tay.
Khi tiến hành đo, bạn nên tránh di chuyển, không nói chuyện, bắt chéo chân hay co bóp cơ tay trong quá trình đo.
Điều gì ảnh hưởng đến huyết áp
Có 4 tác nhân chính trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp.
- Nhịp tim và lực co tim:
Huyết áp được tạo thành bởi áp lực của máu vào thành mạch máu khi tim co bóp. Bởi vậy, nhịp tim và lực co tim ảnh hưởng rất lớn đến huyết áp. Khi tim đập nhanh, mạnh làm tăng huyết áp. Tim đập chậm, lực co tim giảm thì huyết áp giảm.
- Sức cản của mạch máu
Máu di chuyển trong động mạch máu. Bởi vậy nếu mạch máu bình thường, máu chảy sẽ chảy thông thuận thì huyết áp sẽ ổn định. Với những người có lòng mạch hẹp lại do thành máu bị xơ vữa hoặc người già mạch máu đã bị dãn thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp, dẫn đến huyết áp cao cao hơn.
- Khối lượng máu
Khi mất máu, khối lượng máu giảm làm huyết áp giảm. Những người mất máu quá nhiều dễ có nguy cơ tử vong bởi tụt hụt áp. Những người thường xuyên ăn mặn làm áp suất thẩm thấu tăng, tăng thể tích máu gây bệnh cao huyết áp.
- Độ quánh máu
Máu thường có độ quánh từ 4,5 đến 4,7 (nước có độ đặc quánh là 1). Trong máu có các thành phần như protein, muối (Na, K), kim loại (Cu, Zn) và các chất nội tiết. Tùy thuộc vào khối lượng của các thành phần này mà máu mỗi người sẽ có độ quánh khác nhau. Độ đặc quánh ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu, từ đó dẫn đến huyết áp cao.
Nguyên nhân dẫn đến các bệnh huyết áp
Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp
Tăng huyết áp là trạng thái khi huyết áp của bạn vượt quá 120/80 mmHg. Về lâu dài, tăng huyết áp có thể dẫn tới bệnh huyết áp cao.
Một số nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp co thể kể đến như
- Tuổi tác: Người già thường có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn.
- Di truyền: Một số thống kê đã cho thấy bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao gấp 5 lần người bình thường nếu như trong gia đình có người bị cholesterol cao.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn phụ nữ.
- Thừa cân: Béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh cao huyết áp.
- Ăn mặn: Trong muối có chứa natri. Bởi vậy ăn quá nhiều muối sẽ khiến bạn mắc phải bệnh huyết áp cao.
- Sử dụng nhiều rượu bia: Rượu bia là kẻ thù của sức khỏe, có ảnh hưởng trực tiếp đến máu và các cơ quan chức năng trong cơ thể. Bởi vậy, bạn nên hạn chế uống bia rượu để bảo vệ cơ thể tốt hơn.
- Căng thẳng: Căng thẳng mệt mỏi có thể dẫn tới huyết áp cao. Bởi vậy, những người là việc trong văn phòng, bác sỹ thường có tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao hơn những người khác.
- Sử dụng thuốc ngừa thai: Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, uống thuống ngừa thai thường xuyên hay khẩn cấp đều làm tăng nguy cơ huyết áp cao.
- Lười vận động: Không chịu khó luyện tập thể dục thể thao sẽ khiến cơ thể bạn luôn mệt mỏi, yếu ớt, tinh thần kém minh mẫn. Đặc biệt, nó còn dẫn đến nguy cơ bị cao huyết áp.
Nguyên nhân dẫn đến hạ huyết áp
Huyết áp thấp là trạng thái huyết áp của bạn thấp dưới mức bình thường, huyết áp tâm thu dưới mức 90mmHg
Một số nguyên nhân dẫn đến tụt huyết áp có thể kể đến như:
- Mất nước
- Mất máu
- Viêm nội tạng
- Nghẽn tim
- Nhịp tim nhanh bất thường
- Mang thai
- Nhiễm trùng nặng
- Thiếu dinh dưỡng
- Các vấn đề nội tiết như suy giảm chức năng tuyến giáp, đường huyết, tiểu đường, … đều có thể gây ra tụt huyết áp.
Làm thế nào để phòng tránh các bệnh huyết áp
Các căn bệnh về huyết áp luôn là kẻ giết người thầm lặng. Bạn có thể bị mắc bệnh nhưng hoàn toàn không hề biết do biểu hiện của bệnh rất dễ nhầm lẫn. Khi mắc các bệnh huyết áp sẽ rất khó để trị dứt điểm. Bởi vậy, cách tốt nhất là nên chủ động thay đổi một số thói quen hằng ngày để phòng tránh căn bệnh.
- Luyện tập thể dục thể thao
Luyện tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, kích thích trao đổi chất giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh huyết áp. Luyện tập thể dục cũng giúp bạn kiểm soát được cân nặng, tránh thừa cân, béo phì, giảm nguy cơ tăng huyết áp.
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống quyết định rất lớn đến tình trạng sức khỏe cơ thể.
Để tránh bệnh huyết áp, bạn nên ăn cá, hải sản, rau xanh, trái cây, các loại đậu hạt, các loại ngũ cốc thô. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại sữa béo, phủ tạng động vật, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, … Đặc biệt, không nên ăn mặn quá.
Nên ăn đầy đủ các bữa, đặc biệt là bữa sáng vì đây là bữa ăn quan trọng nhất. Không ăn sáng có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu, hoa mắt chóng mặt vì tụt huyết áp.
Nên uống nhiều nước để giúp tăng lượng máu và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Trên đây là một số thông tin về huyết áp, chỉ số huyết áp và các bệnh về huyết áp. Hy vọng qua bài viết, các bạn đã trả lời được câu hỏi huyết áp là gì? huyết áp của người bình thường là bao nhiêu? và nắm được những điều liên quan đến huyết áp để có thể chủ động phòng tránh và chữa trị sớm các bệnh huyết áp.